
Ba năm thực thi RCEP: Xuất khẩu của Việt Nam tăng gần 18%
Theo số liệu của Bộ Tài chính, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước tham gia RCEP năm 2024, đạt 155,44 tỷ USD, tăng 17,6%, so với năm 2021- thời điểm trước khi Hiệp định RCEP có hiệu lực vào năm 2022. Trong 3 năm qua, RCEP đã mang lại những cơ hội nhất định cho doanh nghiệp Việt Nam, thông qua các chuỗi cung ứng mới, nhờ cam kết mở cửa thị trường và hài hoà hoá quy tắc xuất xứ. Hiệp định này cũng góp phần hình thành một thị trường xuất khẩu ổn định và lâu dài cho Việt Nam, nhất là trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu biến động.
Tuy nhiên, lợi ích chính sách từ RCEP trong việc thúc đẩy phát triển thương mại đầu tư, nâng cao mức độ hưởng lợi của doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, đến năm 2030, RCEP dự kiến sẽ làm tăng thu nhập của các nền kinh tế thành viên thêm 0,6%, mang lại 245 tỷ USD/năm cho thu nhập kinh tế của khu vực và tạo ra 2,8 triệu việc làm. Nhìn lại quá trình sau 3 năm thực hiện, rõ ràng RCEP đã mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Để khai thác hiệu quả những lợi thế và cơ hội mà hiệp định này mang lại, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn trong nâng cao năng lực, tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước./.
Anh Quân