Chuẩn bị nguồn nhân lực cho Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Ngoài việc tự nghiên cứu, học hỏi nâng cao trình độ, các giảng viên trong Trường còn được cử đi đào tạo nâng cao tại các Trường Đại học, Cao đẳng ở nước ngoài của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản....Thêm vào đó là các khóa bồi dưỡng, nâng cao phương pháp dạy học chuyên ngành chất lượng cao về công trình xây dựng, hệ thống thông tin tín hiệu, lái tàu đường sắt....
Theo tính toán, để vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao thì cần tới gần 14.000 nhân lực. Vì vậy, Tổng Công ty Đường sắt VN cũng đã chủ động liên doanh với các nước có nền công nghiệp đường sắt phát triển, cử nhân lực học tập và hợp tác xây dựng các mô hình tổ chức, cũng như cơ sở vật chất để sẵn sàng tiếp nhận các khâu quản lý, khai thác, vận hành .
Ngành đường sắt sẽ tận dụng, phát huy lợi thế và nâng cao chất lượng trên cơ sở đã có 2 nhà máy xe lửa Gia Lâm và Dĩ An, với tỉ lệ nội địa hóa với đường sắt hiện hữu lên tới 70-80%.
Hiện, với khoảng 2.000 doanh nghiệp xây dựng trên cả nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp có quy mô vốn chủ sở hữu trên 1.000 tỷ đồng, đều từng tham gia nhiều dự án xây dựng hạ tầng trọng điểm quốc gia cũng là bề dày kinh nghiệm đáng kể cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Hiện Bộ Giao thông vận tải đã giao các đơn vị lập đề án riêng về đào tạo nguồn nhân lực kèm theo đề án của dự án. Với công nghệ hiện đại, kỹ thuật phức tạp thì việc để dự án này hoàn thành đúng tiến độ là một thách thức rất lớn. Song nếu vận hành tốt thì sẽ nhanh chóng làm tăng hiệu quả kinh tế, xã hội, tạo động lực để Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới./.
Minh Chi