Quốc hội thảo luận về dự án Luật Nhà giáo
Tại buổi thảo luận về dự án Luật Nhà giáo, nhiều đại biểu Quốc hội đã đồng tình rằng việc ban hành Luật Nhà giáo là vô cùng cần thiết, nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển đội ngũ nhà giáo. Đồng thời, luật sẽ đặt nền tảng cho việc nâng cao vị thế, quyền lợi và trách nhiệm của nhà giáo trong bối cảnh đổi mới giáo dục toàn diện. Một trong những nội dung được các đại biểu đồng tình cao là việc trao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, quản lý và sử dụng nhà giáo.
Vấn đề chính sách tiền lương đãi ngộ đối với nhà giáo cũng đã được các đại biểu trao đổi thảo luận. Các đại biểu đề nghị đánh giá khách quan thu nhập bình quân của nhà giáo hiện nay so với lĩnh vực khác trong xã hội, tán thành cao với việc lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp. Bên cạnh đó, các đại biểu đã đề nghị việc xếp lương cao nhất trong bậc lương phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo, bởi tầm quan trọng, vai trò quyết định của hệ thống giáo viên đối với nâng cao chất lượng giáo dục có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Qua theo dõi các thông tin về phiên họp, hầu hết các giáo viên đều bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao những quyết sách mang tính đột phá mà Quốc hội đang hướng đến.
Nếu được thông qua, Luật Nhà giáo không chỉ giải quyết các vấn đề tồn tại trong ngành giáo dục mà còn khẳng định sự quan tâm của Nhà nước đến đội ngũ nhà giáo – những người góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Luật sẽ tạo động lực để giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, phát huy trách nhiệm, và đồng thời cải thiện chất lượng giảng dạy trên toàn quốc. Đây cũng là lời tri ân sâu sắc từ Nhà nước đối với công lao to lớn của các thế hệ nhà giáo.
Khoa Nhi, Văn Hải