Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ những nội dung đề ra
Đợt 1, Kỳ họp thứ 8 diễn ra trong 20 ngày, trong đó, công tác lập pháp chiếm thời lượng lớn. Quốc hội đã thảo luận sôi nổi, cho ý kiến vào nhiều dự án luật rất quan trọng như: dự án 1 luật sửa 7 luật, nhằm tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực tài chính, ngân sách; dự án 1 luật sửa 4 luật gỡ khó về đầu tư, quy hoạch hay dự án Luật đầu tư công, Luật Điện lực, Luật Bảo hiểm y tế, Luật việc làm... Ngay trong phiên khai mạc, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng nhấn mạnh: “Kỳ họp thứ 8 phải đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.” Đồng thuận rất cao với chủ trương này, xuyên suốt trong các buổi thảo luận và cho ý kiến vào các dự án Luật, các ĐBQH đều chủ động rà soát, nhằm cắt giảm các quy định không cần thiết theo cách tiếp cận mới, tư duy mới: Luật cần ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội.
Chất vấn và trả lời chất vấn, tiếp tục là điểm nhấn quan trọng, tại đợt 1, Kỳ họp thứ 8: Đã có 136 lượt đại biểu chất vấn, 18 lượt đại biểu tranh luận sôi nổi, thẳng thắn, đối với 3 nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực: ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã báo cáo, giải trình, làm rõ thêm về những vấn đề thuộc trách nhiệm điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Các đại biểu và cử tri cả nước đều ấn tượng với những cam kết từ các Bộ trưởng, Trưởng ngành, với tinh thần “nói đi đôi với làm và làm ngay”. Qua đó, khẳng định hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn vẫn là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội.
Trong đợt 1, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội cũng đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước như: hoàn thành công tác nhân sự bầu chức danh Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%, thảo luận về nhiều vấn đề kinh tế xã hội khác... Có thể thấy, 20 ngày làm việc hết sức công tâm, trách nhiệm, trí tuệ, toàn bộ nội dung chương trình đợt 1 đã hoàn thành tốt đẹp. Cử tri và nhân dân cả nước mong muốn các ĐBQH, trong đợt 2, sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần này, để các hoạt động của Quốc hội ngày càng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là đổi mới công tác lập pháp, khơi thông các nguồn lực, kiến tạo phát triển đất nước./.
Khoa Nhi