Cần tính toán phương án xây dựng đập cố định trên sông Quảng Huế
Ngày đăng: 22/04/2024
Do tác động của biến đổi khí hậu, khiến cho tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Tại Đà Nẵng, nguy cơ thiếu nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất càng cao, do nguồn nước thô trên sông Vu Gia có xu hướng giảm mạnh. Đảm bảo an ninh nguồn nước đang là vấn đề đặt ra cho Đà Nẵng. Để giải quyết, chỉ nỗ lực của thành phố chưa đủ, mà cần phải có vai trò của các bộ, ngành Trung ương.

Cần tính toán phương án xây dựng đập cố định trên sông Quảng Huế

 

Những năm gần đây, các hệ thống sông lớn trên cả nước, ngày càng biến đổi, với những dấu hiệu bất thường theo chiều hướng tiêu cực. Đó là tình trạng đáy sông bị tụt thấp, dẫn đến mực nước bị hạ thấp theo. Các cơ quan khoa học đã đưa ra những con số cho thấy mức độ hạ thấp lòng dẫn trên tất cả hệ thống sông lớn đang bị xói mòn đáy sông. Nhiều địa phương vừa công bố xâm nhập mặn khẩn cấp

Tại Đà Nẵng, hiện nay, nguồn nước cung cấp sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ cho toàn thành phố Đà Nẵng, chủ yếu lấy từ nguồn nước của sông Vu Gia, chảy về sông Yên, về sông Cầu Đỏ và cung cấp nước cho Nhà máy nước Cầu Đỏ. Tuy nhiên, trong những năm qua tình trạng nhiễm mặn đã đe dọa nghiêm trọng nguồn nước sông Cầu Đỏ, khi mùa khô đến. Đặc biệt, năm nay, tình trạng nhiễm mặn diễn ra rất sớm ( từ trước tết Nguyên Đán đến nay).

Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng cho biết, hiện nay, tổng công suất cấp nước theo thiết kế của toàn thành phố là 472.000 m3/ngày đêm, đảm bảo cung ứng đủ nước cho thành phố, ngay cả lúc cao điểm mùa hè. Khi nước sông tại Cầu Đỏ bị nhiễm mặn, Dawaco sẽ lấy nước ngọt tại Đập dâng An Trạch, để sản xuất. Song, vấn đề quan trọng ở chỗ, nước sông Vu Gia chảy về Đập dâng An Trạch ít, mực nước xuống thấp nên việc bơm nước về Nhà máy nước Cầu Đỏ gặp khó khăn.

Cũng theo Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng, sở dĩ nguồn nước thô về hạ lưu sông Vu Gia thấp là do hạn hán, thêm vào đó là hoạt động tích trữ nước của các Nhà máy thủy điện trên thượng nguồn. Trong khi đó, tại ngã ba sông Quảng Huế, do ảnh hưởng của địa hình dòng chảy, nên phần lớn nguồn nước chảy về sông Thu Bồn (Quảng Nam), chỉ một phần lưu lượng chảy về sông Vu Gia (Đà Nẵng). Do vậy, hàng năm, Dawaco phải bỏ ra gần tỷ đồng, để đắp đập tạm, dẫn dòng tăng lượng nước chảy về phía Đà Nẵng. Song, vì là đập tạm, nên cứ vào mùa mưa bão, đập lại bị phá vỡ. Rất tốn kém và ít hiệu quả.

Do vậy, để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho Đà Nẵng, ngoài việc yêu cầu các nhà máy thủy điện tuân thủ nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đà Nẵng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sớm nghiên cứu phương án cho phép Đà Nẵng xây đập cố định trên sông Quảng Huế, để điều tiết lưu lượng nước về sông Vu Gia. Tất nhiên, để thực hiện, cần sớm có phương án và nghiên cứu mang tính khoa học, sự đồng thuận của các bộ, ngành, cũng như tỉnh Quảng Nam.

Phước Hiền, Đình Hiền

 

Tin liên quan

Trang 1 / 635 - 6349 dòngFirstPrevNextLast v
Trang 1 / 635 - 6349 dòngFirstPrevNextLast v