.jpg)
Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng phát hiện và xử lý 14 vụ vi phạm buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu từ ngày 15 đến 22-5. Ảnh: V.H
Tính đến nay, Chi cục đã xử lý 8 vụ vi phạm. Riêng 2 vụ vi phạm vượt thẩm quyền đã trình Chủ tịch UBND thành phố ban hành quyết định xử phạt với tổng số tiền vi phạm hành chính 140 triệu đồng; tịch thu, buộc tiêu hủy 251 hàng hóa vi phạm với tổng trị giá hơn 130 triệu đồng. Đối với 6 vụ vi phạm đang xác minh, xử lý, tổng số tiền thu xử phạt vi phạm hành chính là 279,5 triệu đồng.
Tổng trị giá tang vật vi phạm áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy trị giá hơn 248 triệu đồng, với tổng cộng 419 sản phẩm như: áo thun, củ sạc, kính đeo mắt, túi xách, ví cầm tay, đồng hồ đeo tay, dép, dây lưng, vòng đeo tay…Hiện cơ quan chức năng đang tạm giữ 348 sản phẩm gồm các loại: ví cầm tay, túi xách, đồng hồ, dép lê, áo sơ mi… có gắn dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu; trị giá tang vật tạm giữ (ước tính) gần 180 triệu đồng.
Đặc biệt, trong ngày 20-5, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước và các tổ công tác thuộc Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra đột xuất nhiều cửa hàng thời trang có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng tại các tuyến phố du lịch trung tâm thành phố. Qua kiểm tra đã phát hiện và tịch thu, tạm giữ gần 2.000 đơn vị sản phẩm là hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa nhập lậu và hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ để tiếp tục xác minh, làm rõ tính hợp pháp của hàng hóa.
Theo Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng, qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đơn vị còn thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, ký cam kết đối với các tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố về việc không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và gian lận thương mại.
Thời gian đến, Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng tiếp tục bám sát, thực hiện nghiêm, hiệu quả công tác quản lý thị trường trong hoạt động đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ; tổng hợp, đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để có kế hoạch đấu tranh phù hợp trong từng thời điểm. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương kịp thời kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
VĂN HOÀNG