.jpg)
Du khách trải nghiệm hoạt động chèo SUP tại biển Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ
Phương án định hướng rõ ràng các loại hình phương tiện được phép hoạt động. Cụ thể, nhóm phương tiện có động cơ bao gồm: môtô nước, ca nô kéo dù, ca nô kéo phao chuối, ca nô kéo lướt ván, ván phản lực và một số loại hình có động cơ khác phù hợp với quy định hiện hành.
Đối với các phương tiện không động cơ, bao gồm: lướt ván, lướt ván buồm, lướt ván diều, chèo thuyền kayak, ván chèo đứng (SUP), ván tập bơi cá nhân và các loại hình tương tự khác. Các phương tiện này khi đưa vào sử dụng đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật.
Không gian tổ chức các hoạt động cũng được định hướng cụ thể, tập trung vào các khu vực có điều kiện tự nhiên thuận lợi và ít ảnh hưởng đến hệ sinh thái cũng như an ninh - quốc phòng.
Các khu vực bao gồm: tuyến biển đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa; tuyến biển đường Nguyễn Tất Thành; biển ven đèo Hải Vân; biển ven bán đảo Sơn Trà; vùng nước sông Hàn đoạn từ cầu sông Hàn đến cầu Trần Thị Lý. Đây đều là những vị trí đã và đang được quy hoạch phát triển du lịch, đồng thời có hạ tầng hỗ trợ tương đối hoàn chỉnh, thuận tiện cho việc triển khai và quản lý hoạt động.
Theo UBND thành phố, phương án này được xây dựng với mục tiêu cụ thể nhằm phát huy các lợi thế về tài nguyên biển và Sông Hàn để phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch. Thông qua đó, thành phố kỳ vọng thu hút du khách trong và ngoài nước, phục vụ nhu cầu giải trí của người dân địa phương, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế địa phương.
Việc tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí dưới nước sẽ được triển khai từ năm 2025 đến năm 2030. Trong quá trình thực hiện, tùy theo nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, người dân và du khách, UBND thành phố sẽ tiến hành rà soát, bổ sung và điều chỉnh phù hợp để bảo đảm hiệu quả, đồng thời tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành.
Ngọc Hà