
Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân phối hợp UBND quận Sơn Trà tổ chức trồng, chăm sóc cây xanh tại Công viên Suối Đá trên tuyến đường Nguyễn Tuấn Thiện, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Ảnh: TIỂU YẾN
Theo Sở Xây dựng, đề án Phát triển cây xanh đô thị Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu năm 2025 tỷ lệ cây xanh đạt 5-6m2/người, đến năm 2030 đạt 8-9 m2/người. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ cây xanh đô thị bình quân đầu người tại Đà Nẵng chỉ đạt 2,33 m2/người. Để bảo đảm mục tiêu đề ra, Sở Xây dựng đề xuất thành phố căn cứ điều kiện, tình hình phát triển kinh tế, xã hội và tính khả thi của từng dự án theo các quy hoạch phân khu đã duyệt, điều chỉnh một số chỉ tiêu phù hợp.
Cụ thể, diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng đô thị khoảng 1.075,6 ha, đạt chỉ tiêu khoảng 6m2/người; sau năm 2030 phấn đấu đạt chỉ tiêu khoảng 9m2/người. Diện tích đất cây xanh sử dụng chuyên dụng khoảng 1.909 ha, đạt chỉ tiêu khoảng 10,6 m2/người. Diện tích đất cây xanh sử dụng hạn chế khoảng 1.421 ha, đạt chỉ tiêu khoảng 7,9 m2/người. Diện tích đất cây xanh toàn đô thị khoảng 4.406 ha, đạt chỉ tiêu khoảng 24,6 m2/người. Cùng với đó, cần cải tạo các hồ hiện trạng, quy hoạch công viên ven hồ, góp phần tăng số lượng cây xanh sử dụng công cộng toàn đô thị.
Đối với tiêu chí lựa chọn cây xanh, cần bám sát định hướng quy hoạch, thiết kế cảnh quan để phát huy đa dạng sinh học, không gian xanh tự nhiên, tạo hình ảnh đặc trưng các phân khu, phù hợp thổ nhưỡng, có khả năng chịu hạn hoặc gió bão. Ưu tiên lựa chọn cây xanh có sắc hoa đẹp, có điểm nhấn cảnh quan, kiến trúc cho khu vực. Đối với khu vực ven sông, chú trọng trồng theo sắc hoa kết hợp giống cây ngập nước để bảo đảm chức năng phòng hộ. Ở vùng lõi xanh và sườn đồi, trồng cây đa tầng, đa tán; vùng sinh thái ưu tiên trồng theo chủ đề, cây bản địa. Khuyến khích phủ xanh 50% diện tích sân thượng, 10-15% diện tích mặt đứng đối các công trình…
Hiện nay, thành phố Đà Nẵng có 40 công viên công cộng cấp đô thị và 158 công viên, vườn dạo trong các đơn vị ở, nhóm nhà ở. Để tiếp tục mở rộng không gian xanh, đáp ứng tiêu chí cây xanh đô thị của thành phố đến năm 2030, Sở Xây dựng đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, trong đó nhấn mạnh đến việc quản lý chặt chẽ quỹ đất quy hoạch công viên đã được phê duyệt, không điều chỉnh sang mục đích sử dụng khác.
Khi lập quy hoạch cải tạo, chỉnh trang hoặc tái thiết đô thị, trong trường hợp khu vực lập quy hoạch chưa đáp ứng chỉ tiêu về diện tích đất cây xanh, nội dung quy hoạch phải ưu tiên bố trí đất cây xanh, quy định rõ chỉ tiêu diện tích cây xanh cho từng lô đất xây dựng công trình. Thành phố cần tăng cường xã hội hóa, huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc phủ xanh các công viên cây xanh chưa có kế hoạch đầu tư trong ngắn hạn; xây dựng nền tảng kết nối cộng đồng để người dân có thể tham gia chăm sóc, bảo vệ cây xanh.
Đồng thời, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật đối với công tác duy trì và bảo vệ cây xanh, công viên; xây dựng cơ sở dữ liệu để phục vụ cho công tác quản lý, quy hoạch, đầu tư phát triển cây xanh, công viên đô thị, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật cơ sở dữ liệu quốc gia, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ, an toàn thông tin.
Sở Xây dựng cho biết, thời gian tới thành phố sẽ tập trung thực hiện đồng thời nhiều giải pháp, như lập kế hoạch đầu tư một số công viên công cộng cấp đô thị có quy mô lớn, hướng tới việc đáp ứng các chỉ tiêu về cây xanh đô thị theo quy chuẩn. Trong đó, đầu tư xây dựng khoảng 1.075 ha đất công viên công cộng cấp đô thị nhằm đạt chỉ tiêu 6m²/người vào năm 2030; sau mốc này sẽ tiếp tục huy động nguồn lực, phấn đấu đạt 9m²/người. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư xây dựng thêm khoảng 510 ha công viên công cộng đơn vị ở nhằm bảo đảm không gian sinh hoạt và giải trí cho cộng đồng dân cư tại các khu vực đông dân cư.
Để thực hiện các mục tiêu trên, tổng kinh phí cần huy động ước tính khoảng 19.554 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố 2.575 tỷ đồng, phần còn lại huy động từ các chủ đầu tư (khoảng 14.775 tỷ đồng) và đóng góp từ cộng đồng dân cư, doanh nghiệp (khoảng 2.204 tỷ đồng).
Do đó, việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng và doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, duy trì, khai thác công viên, vườn dạo theo quy hoạch là cần thiết, nhằm giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước, cũng như phát huy tinh thần xã hội hóa trong phát triển không gian xanh.
Ngoài ra, Sở Xây dựng đề xuất thành phố cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có chế tài xử phạt nghiêm đối với nhà đầu tư chậm triển khai xây dựng công viên, vườn dạo tại các dự án phát triển quỹ đất hoặc không thực hiện đúng cam kết đầu tư đã được phê duyệt. Bởi đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả trong quá trình phát triển hệ thống cây xanh đô thị Đà Nẵng thời gian tới.
Tiểu Yến