Nga đề xuất đàm phán trực tiếp với Ukraine
Ngày đăng: 12/05/2025
Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất đàm phán trực tiếp với Ukraine vào ngày 15-5 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) mà không đặt bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Đây là động thái mang tính chiến lược, nhằm khởi động lại tiến trình hòa bình giữa hai quốc gia sau hơn 3 năm xung đột.


Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước giới truyền thông tại Điện Kremlin ở Moscow ngày 11-5. Ảnh: Sergey Bobylev/ RIA Novosti

Ngày 11-5, RT dẫn lời Tổng thống Putin nêu rõ: “Chúng tôi đề nghị Kiev nối lại các cuộc thương lượng mà họ làm gián đoạn năm 2022, nối lại đàm phán trực tiếp mà không có bất cứ điều kiện tiên quyết nào vào ngày 15-5 tại Istanbul”. Ông Putin khẳng định quyết tâm đàm phán nghiêm túc với Ukraine nhằm loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột và hướng đến mục tiêu thiết lập nền hòa bình lâu dài, bền vững, theo CNN.

Đáng chú ý, cũng theo nhà lãnh đạo Nga, trong quá trình thương lượng, không loại trừ khả năng hai bên có thể nhất trí các nội dung mới liên quan đến ngừng bắn và giải pháp mà cả Moscow và Kiev đều ủng hộ. Quyết định hiện phụ thuộc giới chức Ukraine và các bên đứng sau họ. “Những ai thực sự muốn hòa bình không thể không ủng hộ đề xuất này”, ông Putin nhấn mạnh.

Theo RIA Novosti, Tổng thống Putin lưu ý bất kỳ tiến trình nào cũng phải dựa trên “thực tế hiện trường đã thay đổi” và những thỏa thuận đạt được tại vòng đàm phán tại Istanbul năm 2022. Các thỏa thuận này từng bao gồm đề xuất Ukraine giữ vị thế trung lập, không gia nhập NATO và bảo đảm không triển khai vũ khí hạt nhân hoặc lực lượng nước ngoài trên lãnh thổ.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov mới đây khẳng định: “Điều quan trọng là hai bên cùng ngồi xuống, dựa trên nền tảng đã có và hướng đến kết quả thực chất”, theo TASS. Moscow hy vọng, với vai trò trung gian, Mỹ và cá nhân Tổng thống Donald Trump sẽ thuyết phục Kiev linh hoạt hơn và có thêm quyết tâm chính trị để giải quyết tình hình hiện nay, theo ABC.

Đề xuất của Nga được đưa ra không lâu sau khi Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky có cuộc gặp các nhà lãnh đạo châu Âu tại Kiev ngày 10-5. Ông Zelensky khẳng định Kiev sẵn sàng đối thoại ở bất kỳ hình thức nào, đồng thời kêu gọi Nga chấp thuận lệnh ngừng bắn toàn diện và vô điều kiện kéo dài 30 ngày, coi đó là điều kiện để Kiev đồng ý nối lại đàm phán trực tiếp với Moscow.

Theo RT, trong bài phát biểu ngày 11-5, ông Putin cảm ơn mọi nỗ lực hòa giải chân thành của Trung Quốc, Brazil, các nước châu Phi và Trung Đông, cũng như chính quyền của Tổng thống Trump. Trên Truth Social, Tổng thống Trump hoan nghênh đề xuất nói trên của người đồng cấp Nga và tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực làm việc với cả Moscow và Kiev để bảo đảm tiến trình đàm phán sẽ diễn ra.

TASS đánh giá đây là sự thay đổi đáng chú ý trong thái độ của Washington, vốn trước đây thường phản ứng dè dặt hoặc bác bỏ mọi đề xuất đàm phán từ Moscow. Việc ông Trump công khai ủng hộ sáng kiến của Nga sẽ tạo ra sức ép chính trị đáng kể lên Ukraine, đồng thời cũng có thể khiến các quốc gia châu Âu đang mệt mỏi với cuộc xung đột phải xem xét lại lập trường viện trợ quân sự kéo dài cho Kiev. Điều này mở ra khả năng định hình khuôn khổ đàm phán mới, với sự tham gia tích cực của Mỹ.

Đề xuất của ông Putin mang thông điệp rõ ràng về mặt chính trị và ngoại giao: Nga đang trong tư thế chủ động, sẵn sàng hướng tới giải pháp hòa bình nhưng không đánh mất vị thế chiến lược. Việc ông Putin nhấn mạnh “sẵn sàng đàm phán mà không đặt ra điều kiện tiên quyết” là điều hiếm thấy trong một thời điểm đang căng thẳng.

Chuyên gia phân tích chính trị Sergey Karaganov, nguyên cố vấn an ninh cho Tổng thống Nga, nói với RT rằng đề xuất lần này là “lời mời chiến lược” hướng đến cả Ukraine lẫn phương Tây, những nơi đang ngày càng bị đặt vào thế khó khi phải biện minh cho việc tiếp tục hỗ trợ Kyiv về mặt quân sự. Trong khi đó, chuyên gia Fyodor Lukyanov, người đứng đầu Hội đồng Chính sách đối ngoại và quốc phòng Nga, bình luận: “Nga đang tận dụng sự mệt mỏi ngày càng gia tăng của phương Tây với cuộc xung đột để tạo dư địa cho đàm phán sắp tới”.

Tương tự, truyền thông nhà nước Nga như Russia 1 ca ngợi động thái của ông Putin là “cánh cửa mở cho hòa bình”, trong khi Izvestia đánh giá đây là nỗ lực chủ động làm sống lại cơ chế đàm phán từng được kỳ vọng trước đây. Điện Kremlin lựa chọn Istanbul, địa điểm tổ chức vòng đàm phán năm 2022, như cách nối tiếp và giữ nguyên kênh ngoại giao có giá trị.

Đây là dấu hiệu cho thấy Nga không muốn hủy bỏ các kết quả đàm phán đã có, mà muốn tái khởi động từ điểm mà hai bên từng đạt sự đồng thuận tương đối, theo Izvestia. Việc Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia từng đóng vai trò trung gian quan trọng, tiếp tục được chọn làm địa điểm cho vòng đàm phán tiềm năng sắp tới cũng là chỉ dấu cho thấy Nga đang hướng đến khuôn khổ đàm phán có tính khả thi và được quốc tế công nhận.

Đề xuất mới nhất của Tổng thống Putin, xét trên bình diện chiến lược và thông điệp chính trị, là động thái mang tính định hình dư luận và tạo đà cho giai đoạn ngoại giao mới. Trong bối cảnh xung đột vẫn kéo dài, cơ hội cho hòa bình dù còn mờ nhạt nhưng đã được nhen nhóm trở lại. Vấn đề còn lại là liệu các bên liên quan có nắm lấy và biến cơ hội ấy thành hiện thực hay không.

Thư Lê

Tin liên quan

Trang 1 / 50 - 496 dòngFirstPrevNextLast v
Trang 1 / 50 - 496 dòngFirstPrevNextLast v
Chung nhan Tin Nhiem Mang