Nỗi lo tiến trình phát triển toàn cầu chậm lại
Ngày đăng: 08/05/2025
Báo cáo mới nhất từ Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) cảnh báo tiến trình phát triển toàn cầu đang chậm lại nghiêm trọng, xuống mức thấp nhất trong 35 năm, với nguy cơ thụt lùi do viện trợ bị cắt giảm và bất bình đẳng ngày càng tăng.

Gần 70% dân số ở các nước có chỉ số HDI thấp và trung bình, kỳ vọng AI sẽ giúp tăng năng suất.

Tại cuộc họp báo ở Brussels tuần này, ông Achim Steiner, Tổng Giám đốc UNDP, xuất hiện với vẻ mặt trầm tư khi công bố những con số đáng lo ngại: lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, khoảng cách giữa các quốc gia giàu và nghèo đang nới rộng. Tiến trình phát triển toàn cầu không chỉ chậm lại mà còn đối mặt với nguy cơ đảo ngược, hệ quả của một thế giới ngày càng phân mảnh, nơi viện trợ quốc tế bị cắt giảm, xung đột leo thang và bất bình đẳng trong tiếp cận công nghệ trí tuệ nhân tạo ngày một rõ nét.

Bước lùi đáng lo ngại

Báo cáo Chỉ số Phát triển con người (HDI) công bố ngày 6-5 của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho thấy bức tranh đáng lo ngại: tiến trình phát triển toàn cầu đang chững lại ở mức thấp nhất trong 35 năm. Thay vì phục hồi bền vững sau giai đoạn khủng hoảng 2020-2021, báo cáo của UNDP cho thấy sự tiến bộ hiện tại đang chậm lại bất thường. Nếu loại trừ hai năm khủng hoảng đó, mức tăng HDI toàn cầu dự báo trong năm nay là thấp nhất kể từ năm 1990.

Nam Á và châu Phi cận Sahara tiếp tục là những khu vực có mức phát triển thấp nhất. Dù Nam Á từng ghi nhận mức tăng HDI cao nhất toàn cầu năm 2023 với 4,8% và khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đạt mức tăng 1,2%, dự báo cho năm 2024 cho thấy xu hướng chững lại diễn ra đồng loạt trên toàn thế giới. Ông Achim Steiner đưa ra cảnh báo nghiêm trọng: “Nếu tiến độ chậm chạp của năm 2024 trở thành “bình thường mới”, cột mốc 2030 có thể bị trượt lại hàng thập kỷ, khiến thế giới kém an toàn hơn, chia rẽ sâu sắc và dễ tổn thương hơn trước các cú sốc kinh tế - sinh thái”, trích báo cáo của UNDP.

Đáng lo ngại hơn, bất bình đẳng giữa các quốc gia tiếp tục gia tăng. Đây là năm thứ tư liên tiếp khoảng cách giữa nhóm nước có HDI thấp và nhóm có HDI rất cao tiếp tục nới rộng, đảo ngược xu hướng dài hạn từng ghi nhận sự thu hẹp bất bình đẳng giữa các quốc gia. Các quốc gia có điểm HDI thấp nhất đang đối mặt những thách thức đặc biệt nghiêm trọng: căng thẳng thương mại leo thang, khủng hoảng nợ gia tăng và sự bùng nổ của công nghiệp hóa không tạo việc làm.

AI: hy vọng hay ảo vọng?

Giữa bức tranh phát triển toàn cầu đầy ảm đạm, báo cáo UNDP chỉ ra tia sáng tiềm năng: trí tuệ nhân tạo (AI) có thể trở thành đòn bẩy khơi lại đà tiến bộ. Nhưng câu hỏi đặt ra: AI sẽ giúp thu hẹp hay làm sâu thêm khoảng cách giàu nghèo?

Theo báo cáo của LHQ, người dân tại các quốc gia đang phát triển nhìn nhận AI một cách tích cực. Gần 70% người dân ở các nước có chỉ số HDI thấp và trung bình kỳ vọng AI sẽ giúp tăng năng suất; hai phần ba dự đoán sẽ sử dụng AI trong giáo dục, y tế hoặc công việc trong năm tới. Tuy nhiên, lợi ích của AI hiện không được phân phối đều. Báo cáo cảnh báo rằng các nước nghèo đang bị hạn chế nghiêm trọng trong khả năng tiếp cận công nghệ này. Ngoài ra, định kiến văn hóa cũng có thể ảnh hưởng đến cách AI được thiết kế và vận hành. Theo AFP, các quốc gia có thu nhập cao như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức, theo thứ tự đó, đang dẫn đầu nhờ có hạ tầng số phát triển vững chắc. Năm 2024, riêng Mỹ thu hút tới 70,2% tổng vốn đầu tư toàn cầu vào AI.

Để hiện thực hóa tiềm năng ấy, báo cáo đề xuất 3 hướng hành động then chốt: xây dựng nền kinh tế nơi con người hợp tác cùng AI thay vì cạnh tranh; bảo đảm con người tham gia vào toàn bộ vòng đời AI, từ thiết kế đến triển khai; hiện đại hóa hệ thống giáo dục, y tế để đáp ứng nhu cầu của thế kỷ XXI. Tuy vậy, cảnh báo vẫn được đặt ra: “Nếu chúng ta không giải quyết những bất công và chia rẽ hiện nay, AI sẽ chỉ làm chúng sâu sắc thêm”, ông Steiner nói với AFP. Ông ví AI như “con dao hai lưỡi”, vừa có thể là công cụ phát triển mạnh mẽ, vừa có thể đào sâu thêm bất bình đẳng nếu không được kiểm soát cẩn trọng. 

Trần Đắc Luân


 

Tin liên quan

Trang 1 / 50 - 491 dòngFirstPrevNextLast v
Trang 1 / 50 - 491 dòngFirstPrevNextLast v
Chung nhan Tin Nhiem Mang