Ngành công nghiệp bán dẫn đang mở ra cơ hội lớn để phát triển và thu hút đầu tư
Phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn được xem là “then chốt của đột phá” bởi nó có ý nghĩa cốt lõi và đóng vai trò quyết định trong thu hút đầu tư vào ngành vi mạch bán dẫn. Đó cũng là lí do vì sao tại Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, chính phủ hướng đến mục tiêu đến năm 2030 đào tạo 50.000 nhân lực trong lĩnh vực này.
Xác định vi mạch bán dẫn là động lực tăng trưởng mới, thành phố Đà Nẵng đã triển khai xây dựng Đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của thành phố Đà Nẵng”. Trong đó, xác địn nguồn nhân lực là nền tảng giúp TP tiến nhanh, mạnh vào hệ sinh thái vi mạch, bán dẫn. TP đặt mục tiêu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch đến năm 2030 có ít nhất 5.000 kỹ sư.
Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 136 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, trong đó có các chính sách ưu đãi vượt trội cho các nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo là động lực, bệ phóng quan trọng để TP tiếp tục thu hút nguồn lực đầu tư vào địa phương trên lĩnh vực này.
Nhằm tận dụng những cơ hội từ Nghị quyết 136, UBND TP Đà Nẵng đang khẩn trương xây dựng 3 nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trình HĐND TP xem xét, thông qua tại kỳ họp cuối năm 2024 để kịp thời áp dụng vào đầu năm 2025. Từ đó, tạo động lực cho lĩnh vực này tăng tốc phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới tại địa phương./.
Thu Hương, Vũ Quân