Ngành Đường sắt Việt Nam nỗ lực chuyển mình với Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Nhiều năm nay, đường sắt đã có nhiều đổi mới nhưng với hạ tầng cũ kỹ, lạc hậu thì tốc độ chạy tàu vẫn chưa được cải thiện. Với tốc độ chạy tàu như hiện nay thì đi từ Hà Nội đến Sài Gòn mất tới 34 giờ. Để vận hành những chuyến tàu an toàn phải mất hàng chục nhân viên phục vụ, chưa kể đến đội ngũ lái tàu lên đến 12 người thay phiên nhau, để đảm bảo sức khỏe trong suốt hành trình.
Ước mơ sớm có tuyến đường sắt chạy tốc độ cao 350km/h có lẽ là của tất cả người dân Việt Nam. Bởi, nếu sớm trở thành hiện thực, đường sắt cao tốc không chỉ mở ra một trang sử mới cho loại hình phương tiện công cộng hiện đại bậc nhất của Việt Nam, mà còn tạo bước đột phá cho cả sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, để vận hành, quản lý dự án tuyến đường sắt tốc độ cao, khoảng 1.000 - 1.300 đội ngũ tư vấn; 13.800 nhân sự vận hành khai thác và khoảng 220.000 nhân lực là nhà thầu xây dựng, các cơ sở, tổ hợp công nghiệp thi công xây dựng, chế tạo, sản xuất vật tư, linh kiện theo lộ trình thực hiện dự án.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dự kiến có chiều dài 1.541 km, được đề xuất đầu tư với quy mô đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa tốc độ 350 km/h. Toàn tuyến bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (TP Hà Nội) đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh. Trên toàn tuyến, có 23 ga, với cự ly trung bình là 67 km. 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa. Tuyến đường sắt tốc độ cao phấn đấu tới năm 2035 sẽ phải hoàn thành và đưa vào khai thác, để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng cao hiện nay.
Minh Chi