Các doanh nghiệp đang quan tâm hơn về vấn đề bảo hộ tài sản trí tuệ
Dòng chảy mạnh mẽ của công nghệ, trí tuệ nhân tạo đang dẫn đến những thay đổi nhanh chóng về cách thức hoạt động thương mại. Điều này khiến doanh nghiệp đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức, khi tài sản sở hữu trí tuệ dễ bị xâm hại hơn.
Theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp có sở hữu tài sản trí tuệ sẽ tạo ra doanh thu trung bình cao hơn 20%, so với doanh nghiệp không sở hữu tài sản trí tuệ. Hiện có 3 dạng tài sản có giá trị nhất với doanh nghiệp là cơ sở dữ liệu khách hàng, công nghệ số, thông tin nghiên cứu và phát triển (R&D). Nếu muốn gia tăng giá trị thị trường của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp công nghệ số, thì chú trọng phát triển, bảo hộ tài sản trí tuệ là chiến lược “sống còn”.
Ước tính Việt Nam hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đây được xem là động lực tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, doanh nghiệp khởi nghiệp chủ yếu tập trung vào kêu gọi vốn đầu tư mà ít chú trọng đến việc tạo lập các tài sản trí tuệ, bảo hộ và khai thác các quyền sở hữu trí tuệ.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, thúc đẩy kinh tế số, phát triển tài sản trí tuệ cần được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn, nhằm nâng cao sức cạnh tranh cũng như góp phần cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia./.
Thu Hương, Tấn Yên