Giữ thói quen đọc sách thời công nghệ số
Dành nhiều tâm huyết để xây dựng một tủ sách gia đình và thường xuyên chia sẻ sách với nhiều người, anh Mai Bá Phúc, quận Sơn Trà tự nhắc mình phải đọc sách mỗi ngày để nâng cao tri thức. Ngoài việc tựa vào sách để tìm sự cân bằng trong cuộc sống, theo anh Phúc, xác định được mục tiêu đọc sách là việc quan trọng để quy trì thói quen đọc sách.
Trước sự lấn át của văn hóa nghe nhìn, văn hóa đọc vẫn luôn có chỗ đứng trong lòng mỗi người trẻ. Những cách tiếp cận mới, như sách điện tử, không xóa bỏ niềm vui đọc sách, ngược lại còn làm giàu trải nghiệm cho nhiều thế hệ trong xu thế của một xã hội bùng nổ về công nghệ... Tuy nhiên, khi không bị ràng buộc bởi việc học, mà chỉ đơn thuần đọc vì sở thích cá nhân, việc xây dựng thói quen không phải chuyện đơn giản, mà cần tính kỷ luật cao.
Thực tế thời gian qua, không phải chỉ đến Ngày sách và văn hóa đọc 21-4 hàng năm, những hoạt động quảng bá nhằm lan tỏa tình yêu sách mới được tổ chức mà rất nhiều chương trình giới thiệu sách mới, nói chuyện chuyên đề về sách... duy trì khá thường xuyên. Điều này tạo nên làn sóng mới, khơi dậy thói quen đọc sách trong mỗi người, nhất là với các bạn trẻ. Người trẻ có nhiều lựa chọn hơn trong việc đọc, đến với việc đọc cũng theo nhiều mục đích khác nhau, nhưng dù là bất kỳ nguyên do nào, thì đọc sách cũng là cách để tìm về với bản nguyên, khai mở tâm trí.
Có thể thấy, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã cho ra đời các sản phẩm nghe nhìn đa dạng, hấp dẫn, văn hóa đọc vì lẽ đó cũng dần được mở rộng khái niệm, không chỉ còn là sách giấy, không chỉ gói trong những thể loại cố định. Tuy nhiên, với sự nhạy bén của thế hệ trẻ, nếu biết tận dụng và khai thác các ưu thế của công nghệ thì đây chính là chìa khóa quan trọng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa đọc, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả thời 4.0.
Huyền Trân, Vũ Quân