
Đà Nẵng đảm bảo không để thiếu nước trong mùa hè
Những năm qua, Đà Nẵng đã dành nguồn lực khá lớn cho việc đầu tư hạ tầng cấp nước, trong đó có 2 dự án quan trọng đó là: Nâng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ từ 170.000m3 lên 290.000m3/ngày đêm; nâng công suất Trạm Bơm Phòng mặn An Trạch lên gấp đôi, đạt 420 ngàn khối/ngày đêm. Cả 2 dự án này đều do Công ty Cổ phần Cấp nước (Dawaco) tự bỏ kinh phí ra đầu tư. Cùng với đó, Dawaco cũng đã đầu tư nguồn lực đáng kể để nâng cấp, mở rộng hạ tầng mạng lưới đường ống cấp nước, đặc biệt là đường ống qua sông Hàn, để tăng năng lực cấp nước cho 2 quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn – khu vực trọng điểm về du lịch
Đồng hành với Dawaco, thành phố cũng đã đầu tư từ nguồn ngân sách xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên, công suất 120 ngàn khối/ngày đêm. Sự đầu tư đúng mức và đúng hướng này đã giải được bài toán thiếu nước và nước nhiễm mặn cho Đà Nẵng
Mùa hè luôn đối mặt với nguy cơ hạn hán, nắng nóng kéo dài, và nhiễm mặn nguồn nước thô. Tuy nhiên, nếu như khoảng 5 năm trở về trước, nỗi lo nước nhiễm mặn luôn thường trực thì hiện tại, bài toán khó này đã được hóa giải. Theo Công ty Cấp nước, nếu nguồn nước thô tại Cầu Đỏ bị nhiễm mặn, công ty sẽ vận hành Trạm bơm phòng mặn An Trạch, cộng với nguồn nước từ Nhà máy nước Hòa Liên, đảm bảo cung cấp nước ổn định cho thành phố ngay cả lúc cao điểm. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là nguồn nước tại An Trạch phải đủ mực nước cho Trạm bơm phòng mặn vận hành dẫn nước thô về sông Cầu Đỏ
Được biết, hàng năm, Dawaco tự bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng để đắp Đập tạm Quảng Huế, điều tiết nguồn nước về sông Yên, đảm bảo mực nước tại Trạm bơm phòng mặn An Trạch. Và đập Quảng Huế sẽ được tháo dỡ trước khi mùa mưa đến để đảm bảo không ảnh hưởng đến dòng chảy. Khá tốn kém và lãng phí. Do vậy, TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị TW sớm nghiên cứu xây dựng công trình điều tiết nguồn nước và chỉnh trị sông Quảng Huế phù hợp, hoặc có giải pháp công trình phân lưu phù hợp trên sông Quảng Huế, nhằm đảm bảo cấp nước ổn định cho Đà Nẵng và vùng hạ lưu./.
Phước Hiền, Văn Hải