Giữ lửa nghệ thuật điêu khắc gỗ truyền thống người Cơ Tu
Ngày đăng: 20/10/2024
Người Cơ Tu có một loại hình nghệ thuật đặc sắc thể hiện về thế giới cuộc sống xung quanh cũng như khát vọng lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của dân tộc mình, đó là nghệ thuật điêu khắc gỗ. Những năm qua, nghệ thuật này, đã và đang được người Cơ Tu tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang nỗ lực trao truyền lại qua nhiều thế hệ. Ghi nhận của phóng viên thời sự, DanangTV.

Giữ lửa nghệ thuật điêu khắc gỗ truyền thống người Cơ Tu

Qua bàn tay của những nghệ nhân điêu khắc tài hoa - được xem như những “nghệ sĩ làng”, bằng những dụng cụ thô sơ, người Cơ Tu tạc phù điêu, tượng gỗ và sử dụng chúng với nhiều chức năng khác nhau, hầu hết gắn chặt với không gian sinh hoạt và các yếu tố tâm linh. Không giống như điêu khắc của các đồng bào vùng Tây Nguyên, đối tượng hướng đến của điêu khắc gỗ dân gian Cơ Tu lại là những hiện tượng thẩm mỹ trong đời sống, cả thiên nhiên và con người, không điêu khắc theo khuôn mẫu, không gò bó trong những quy luật cứng nhắc về đề tài sáng tác.

Toàn xã Hòa Bắc có hơn 800 người Cơ Tu, sống tại 2 thôn: Tà Lang và Giàn Bí, trong đó, số hộ gia đình còn giữ nghề điêu khắc truyền thống không nhiều, và đang có dấu hiệu bị mai một. Người Cơ Tu ở đây, luôn mong muốn được học hỏi từ đồng bào mình ở các vùng Đông Giang, Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, để có thể giữ lửa nghệ thuật truyền thống này. Vì vậy, thời gian qua, Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Hòa Vang, phối hợp với UBND xã Hòa Bắc đã tổ chức lớp tập huấn, đào tạo điêu khắc dân gian cho người Cơ Tu, duy trì định kỳ hàng năm.

Kỳ vọng với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, các ngành liên quan, cùng sự phấn đấu, nỗ lực của người Cơ Tu, nghệ thuật điêu khắc dân gian truyền thống sẽ được phục hồi mạnh mẽ, tiếp lửa để trao truyền lại cho các thế hệ sau này, lan tỏa các giá trị văn hóa, bản sắc riêng tại địa phương./.

Anh Quân, Phương Huy

 

Tin liên quan

Trang 1 / 148 - 1477 dòngFirstPrevNextLast v
Trang 1 / 148 - 1477 dòngFirstPrevNextLast v
Chung nhan Tin Nhiem Mang