Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được Unesco ghi danh tại MT - TN
Hội thảo nhằm có cơ sở cung cấp những luận cứ khoa học về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh theo hướng bền vững, qua đó, góp phần tư vấn chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc triển khai tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý và hoạt động thực tiễn từ các học viện, các cơ quan nghiên cứu, các trường Chính trị; các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội của các địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã nêu những ý kiến và trình bày tham luận một cách khách quan, khoa học, trong đó, có các xu hướng biến đổi di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên hiện nay.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhìn nhận khu vực miền Trung, trong đó, có thành phố Đà Nẵng, trong thời gian qua, đã thực hiện tốt việc đổi mới thể chế, chính sách quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh ở Việt Nam. Tuy nhiên, chuyên gia cũng đề xuất ý kiến để địa phương có thể bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hiệu quả hơn.
Trên cơ sở các tham luận và các ý kiến trao đổi tại Hội thảo, Ban tổ chức Hội thảo sẽ tổng hợp và chắt lọc để đề xuất kiến nghị với các cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên về các giải pháp đột phá, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh theo hướng bền vững trong tình hình mới.
Thùy Trang, Phương Huy