Đà Nẵng: Hội thảo khoa học về thoát nước đô thị
Trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, sự gia tăng dân số và phát triển đô thị, Đà Nẵng đang triển khai rất nhiều giải pháp để giải quyết bài toán thoát nước đô thị. Một trong những giải pháp trọng tâm là Đà Nẵng đang Lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm đưa ra các giải pháp về lâu dài để giải quyết căn cơ, toàn diện vấn đề ngập úng ở đô thị Đà Nẵng; xác định cao độ san nền từng khu vực cụ thể; giải pháp chống ngập úng, ngập lụt; hành lang thoát lũ của các sông; mạng lưới thoát nước mưa; các hồ điều hòa và trạm bơm chống ngập vv... Dự kiến đồ án sẽ hoàn thành trong tháng 7 năm nay.
Để Đồ án đảm bảo tiến độ và chất lượng cao nhất, mang tính toàn diện nhất, thời gian qua, với vai trò nhiệm vụ được giao, Sở Xây dựng đã phối hợp với Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố, đồng hành cùng đơn vị tư vấn lập quy hoạch, theo sát quá trình lập đồ án, thường xuyên làm việc, nghe báo cáo về tiến độ và nội dung đồ án, kịp thời xử lý các vấn đề thuộc đồ án quy hoạch. Và hôm nay tổ chức Hội thảo nhằm lắng nghe, tiếp thu ý kiến, đề xuất của các nhà khoa học, chuyên gia. Theo đó, hội thảo tập trung đánh giá hiện trạng cao độ nền, khả năng thoát nước đô thị của thành phố; xác định nguyên nhân, tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố; đề xuất các giải pháp thoát nước lâu dài cho thành phố.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Đồ án được thực hiện khá công phu, các tính toán dựa vào luận cứ khoa học, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn, được dựa trên Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, và kế thừa được Đồ án quy hoạch thoát nước của thành phố trước đây. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng đồ án, các chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến và đề xuất liên quan đến phương pháp tính toán, công cụ tính toán, các thông số kỹ thuật, cách tiếp cận, tần suất ngập, tính toán cao nền cho từng khu vực. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng: Thay đổi cách tiếp cận, quy hoạch thoát nước theo hướng thích nghi và chống chịu, và phải là quy hoạch định hướng ( chứ không phải quy hoạch chạy theo, sửa chữa khắc phục); không chỉ nâng cao cốt nền mà còn điều chỉnh về không gian đô thị; nên tính toán cụ thể hướng thoát nước, ưu tiên hướng thoát biển, và phân từng tiểu khu 1 để tiêu thoát nước.
Qua Hội thảo, Đà Nẵng đã tiếp thu được nhiều ý tưởng đề xuất tâm huyết, sáng tạo, mang tính căn cơ lâu dài, và khả thi- phù hợp với tình hình thực tế của Đà Nẵng, làm cơ sở khoa học để Đà Nẵng hoàn thiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045- một đồ án chuyên ngành quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của Đà Nẵng.
Phước Hiền, Phương Huy